Năm 2010, cuộc sống của một số hộ nuôi lươn ở xã Tân An – Thị xã Tân Châu phần nào được cải thiện, nhờ thu nhập từ bể nuôi lươn. Giá bán có lúc lên đến 140.000 – 150.000 đồng/kg cho 1kg lươn loại I (khoảng 5 con/kg). “Trúng mùa được giá” nên nhiều hộ nuôi đã phát triển thêm quy mô. Một số hộ nuôi mới, báo hiệu tình hình nuôi lươn ở Tân Châu sẽ phát triển hơn ở năm 2011.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ nuôi lươn thì ở giai đoạn đầu thả giống, lươn bị hao hụt rất nhiều, gây thiệt hại khá lớn cho bà con nuôi lươn, nhất là những bà con mới vào nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm.
Từ thực tế đó, để khắc phục hiện trạng trên, bà con có thể tham khảo một số biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hao hụt lươn ở giai đoạn đầu thả giống như sau:
* Khâu vận chuyển: Nên dùng vật dụng trơn láng để chứa lươn và cho thêm một ít nước nhằm giảm sây sát. Bố trí thêm giá thể như rau dừa, lục bình để che mát và tạo chỗ chú ẩn cho lươn. Chiều cao lớp lươn vận chuyển không quá 20cm. Vì quá cao, lớp lươn phía dưới bị đè và khó tiếp xúc được với oxy để hô hấp. Theo kinh nghiệm của một số hộ nuôi, khi vận chuyển bằng xuồng, để giá thể và một ít nước thì tỷ lệ sống của lươn rất cao. Không nên vận chuyển lươn trong những vật dụng kín, bề mặt tiếp xúc nhỏ, lươn khó tiếp xúc với oxy để hô hấp.
* Khâu chọn giống: Nên chọn con giống có màu vàng sẫm, vì loại này có sức sống và tăng trưởng tốt nhất. Cỡ giống thả tốt nhất từ 40 – 60 con/kg. Giống quá nhỏ, lươn khó chăm sóc, dễ chết, thời gian nuôi kéo dài. Giống lớn (10 – 20 con/kg) thì khi mua, bà con nên lưu ý nguồn giống, vì cỡ giống này lươn hay bị chết sau khoảng một tháng nuôi do bị giãn cột sống lúc bị đánh bắt.
* Khâu thuần dưỡng: Từ khâu đánh bắt và vận chuyển đến mô hình nuôi, có thể cơ thể lươn bị nhiều sây sát. Do đó, trước khi thả vào bể thuần dưỡng phải tắm lươn. Pha thuốc tắm: 10 lít nước + 2 chén muối hột + 1 muỗng canh Oxytetra, hòa tan tắm từ 20- 30 kg giống, thời gian tắm là 1 phút rồi cho Lươn vào bể dưỡng.
Bể dưỡng có thể bằng nilon hay mủ cao su, mật độ dưỡng là 4-6 kg/m2, chiều sâu nước là 0,1 – 0,2m. Trong bể dưỡng đặt nhiều giá thể như: Lục bình, rau muống, rau dừa…Theo kinh nghiệm của một số hộ nuôi tại xã Tân An, trong bể dưỡng có thể pha thêm 1 viên tiêu cam (dạng sủi) + 2g nước biển gói Orol cho một bể dưỡng từ 10 - 15m2, hòa tan tạt đều bể dưỡng. Ngâm đến chiều thay nước mới. Sáng hôm sau thay nước và tiếp tục ngâm tiêu cam và nước biển gói, chiều thay nước. Xử lý liên tục từ 3-5 ngày. Thời gian dưỡng từ 5 - 7 ngày tùy theo nguồn giống. Khi không còn thấy lươn yếu, lươn chết mà bơi lội nhanh nhẹn thì có thể thả vào bể nuôi. Lưu ý: Trong suốt thời gian dưỡng, tuyệt đối không cho lươn ăn.
Giai đoạn đầu thả giống lươn thường bị bệnh sốc môi trường (còn gọi là bệnh sốt nóng). Biểu hiện bệnh là lươn xáo trộn trong bể, quấn vào nhau, tiết nhiều nhớt, lươn ngoi đầu lên thở. Những con nặng, đầu sưng phồng lên, xuất huyết và chết hàng loạt. Để phòng bệnh này nên tắm lươn trước khi dưỡng, mực nước từ 0,1 – 0,2m. Trong bể bố trí nhiều giá thể và phải thay nước ít nhất là 2 lần/ngày.
Nếu áp dụng tốt các biện pháp này, bà con sẽ giảm được hao hụt lươn trong giai đoạn đầu thả giống. Từ đó góp phần nâng cao năng suất lươn thương phẩm.
SNN An Giang, 14/05/2011 - Mỹ Hằng - Trạm Khuyến nông TX Tân Châu
Một số kinh nghiệm nuôi lươn thịt đạt chất lượng cao
Ông Huỳnh Văn Phẩm là hộ khởi đầu nuôi lươn ở đây cho biết, ông bắt đầu nuôi lươn từ sau đợt nuôi tôm càng xanh bị thất bại. Hồi nuôi tôm, ông đốn toàn bộ tre làm bè, do làm bè bằng tre tươi nên nước lưu thông yếu, mật độ tôm cao, nên bị chết toàn bộ. Cái khó không bó cái khôn, ông dùng số tre bè nuôi tôm làm bồn nuôi lươn. Năm 1998, ông thả 30 kg lươn giống vào bồn nuôi 16m2, thu được 100 kg lươn thịt bán 1,8 triệu đồng. Năm 1999, thả 60 kg lươn giống (bồn nuôi 32m2), bán 180 kg lươn thịt được 4,2 triệu đồng, lời 2,1 triệu đồng. Những năm sau, ông tiếp tục nuôi lươn, đều có hiệu quả. Năm 2004, ông nuôi 10 bồn lươn 300m2, thả 300 kg lươn giống, thu 900 kg lươn thịt, lời 21 triệu đồng. Còn ông Trần Văn Biết, nuôi lươn 4 năm nay, riêng năm 2004 ông nuôi 8 bồn 4 x 10 m, thả 480 kg lươn giống, thu 1.000 kg lươn thịt. Ông cho biết chi phí cho mỗi bồn nuôi lươn như: vật tư, đất, lươn giống và cả tiền thức ăn tốn khoảng 5 triệu đồng/bồn, sau thu hoạch trung bình lời khoảng 3 triệu đồng/bồn. Nếu lươn không chết thì người nuôi 1 lời 1, còn bị chết thì lời 50%. Điển hình như ông Nguyễn Văn Ra, năm 2004 thả nuôi 110 kg lươn giống vào 60m2 bồn, chết còn 57 kg, cuối vụ thu hoạch 302 kg lươn thịt, trừ các chi phí và bỏ công, lời 11 triệu đồng. Năm nay ông thả nuôi 180 kg lươn giống trên diện tích bồn nuôi 120m2, do lươn bị chết khoảng 40 kg, dự kiến vẫn có lời tuy không nhiều.
Những hộ nuôi lươn ở Vĩnh Trinh đã rút ra một số kinh nghiệm: Lươn giống hao hụt cao 20-50%, thời gian hao hụt kéo dài 20-50 ngày, thời gian này không cho lươn ăn. Lươn chết trong đất làm ô nhiễm môi trường, hàng ngày phải thay nước rửa đất, có khi phải thay đất mới rất tốn kém. Lươn giống do bắt tự nhiên từ nhiều nguồn: lươn bị mồi thuốc, bị trầy vết lúc bắt và vận chuyển... Lươn đem về đều có xử lý nước muối, có nơi còn cho muối lên mô đất, nhưng lươn vẫn có thể chết. Trong khi nguồn lươn giống nhân tạo chưa có, phải cần tận dụng nguồn lươn giống tự nhiên để nuôi. Lươn mới đem về không nên cho vào bồn có mô đất nuôi mà nuôi ở bồn không có mô đất như: xô nhựa, lu, khạp có đáy láng, mật độ 200-300 con/m2, có treo dây ni-lông để lươn dựa thở khí trời. Hàng ngày sau khi cho lươn ăn, bắt lươn chết, thay nước mới vào. Lươn phát triển ổn định sau 20-30 ngày, chọn lươn khỏe thả nuôi ở ao đất. Như vậy, sẽ giảm lươn chết, giảm chi phí, đạt hiệu quả cao.
- Lươn chết một phần còn do không cho lươn ăn kéo dài khi nuôi có mô đất. Nếu nuôi dưỡng giống lươn không mô đất sẽ kiểm tra được tình trạng lươn hàng ngày và cho chúng ăn nên giảm tỷ lệ lươn chết, lươn khỏe đưa vào nuôi lươn thịt sớm. Thức ăn của lươn hiện tại là ruột ốc bươu vàng xay nhuyễn lẫn với thức ăn viên của cá, thêm premit, vitamin C cho vào sàn để lươn ăn. Khởi đầu cho ăn 3-4 kg thức ăn/ngày, khi lươn phát triển ổn định cho ăn 10 kg/ngày/bồn. Lươn ăn mạnh nhất vào chiều tối.
- Bồn nuôi lươn có mô đất cao hơn mặt nước 0,3 - 0,5 m, nước trong bồn sâu 0,3 - 0,4 m. Các mô đất đang nằm rải ra để lươn trú, một phần lươn chết dễ bắt và xả nước rửa mô đất khi lươn chết trong đất, nhưng lươn vẫn còn chết trong mô đất. Nếu mô đất bị sụp do lươn đào hang cũng bị thất mùa lươn. Nếu như nuôi dưỡng giống lươn riêng, lươn khỏe mới nuôi ở bồn đất, nên làm mô đất ở một phía ao, đầu ao thấp dành cho lươn ăn, thay nước, vệ sinh. Ở mô đất tập trung một phía có thể nuôi trùng trên mô, tạo thêm thức ăn tại chỗ cho lươn, lươn phát triển mạnh đất không bị sụp ảnh hưởng đến đời sống bình thường của lươn.
- Hàng ngày, sáng lấy sàng thức ăn ra khỏi bồn, loại bỏ thức ăn dư làm ô nhiễm nước nuôi. Tốt nhất chỗ nuôi lươn nên có điện và nguồn nước sạch để thay nước hàng ngày. Có thể thay nước khi nước trong bồn có hiện tượng dơ để tránh lươn chết, ổn định môi trường sống của lươn.
Lươn có giá cao vào tháng 2 - 4 âm lịch, có năm lươn loại 1 mua tại chỗ giá 80.000 đồng/kg, loại 2 có giá 64.000 đồng/kg. Hiện nay, lươn đã có thị trường trong và ngoài nước khá mạnh, cung chưa đủ cầu nên giá còn khá cao. Do vậy, người nuôi lươn cần rút kinh nghiệm trong kỹ thuật nuôi để phát triển nuôi lươn ổn định, không sử dụng hóa chất kháng sinh cấm, để lươn đứng vững trên thị trường trong nước và thế giới.
DƯƠNG TẤN LỘC - AG, 7/10/2005
Kinh nghiệm nuôi lươn trong bồn nylon
Ông Nguyễn Văn So, ở ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang) là một trong những người mạnh dạn nuôi lươn trên cạn ở ĐBSCL. Năm 2001, ông So thử dùng bạt nylon loại dày không thoát nước để lót nuôi trên cạn, thay thế cho hồ xây bằng gạch, xi măng (chỉ dùng cây cắm xung quanh để giữ bồn nuôi không bị nghiêng chảy nước ra ngoài). Thấy có hiệu quả, ông đã nhân lên 4 bồn, diện tích 150 m2, thả nuôi 250 kg lươn giống (loại 35 con/kg), chỉ sau 6 tháng nuôi, ông So bắt đầu thu hoạch lời 14 triệu đồng. Không dừng lại đó, ông So đã tăng lên hai vụ trong năm, cho đến nay ông có 9 bồn nuôi lươn trước nhà. Thu nhập từ con lươn đạt từ 76 - 80 triệu đồng/năm. Kỹ thuật làm bồn nuôi lươn:
Nên chọn nơi khu vực đất cao, hướng về phía mặt trời, tránh gió bão, nguồn nước phong phú, chất lượng nước tốt. Diện tích xây bồn từ 10 - 30 m2 là thích hợp nhất, chỉ cần mua bạt nylon không thấm nước là có thể xây dựng thành bồn nuôi. Chiều cao mỗi bồn từ 1 - 1,3 m, bỏ đất ruộng (đang canh tác) vào trong hồ lươn khoảng 1/2 - 2/3 diện tích để cho lươn chui vào đó cư trú. Nên độn thêm rơm, cây chuối mục để tạo môi trường tốt hoặc cho lục bình hay trồng rau mác, rau dừa vào trong hồ để tạo bóng râm trong bồn. Mực nước trong bồn nuôi từ 20 - 30 cm, mực nước sâu quá, ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của lươn. Lươn là loài không ưa ánh sáng nên trước khi bố trí bồn nuôi, phải có mái che hoặc làm giàn trồng cây leo tránh được sự thay đổi môi trường một cách đột ngột.
Chọn con giống:
Nguồn lươn ngoài tự nhiên càng lúc càng cạn kiệt, việc sinh sản nhân tạo của lươn hiện nay còn rất hạn chế, đa phần người nuôi phải mua của người dân xúc ủ, đặt trúm, đánh bắt bằng xung điện...
Lươn có 3 loại (theo màu sắc). Loại I: lươn có màu vàng sẫm, phát triển tốt nhất. Loại II: màu vàng xanh, phát triển bình thường. Loại III: màu xám tro, chậm lớn. Kích thước lươn giống thả nuôi tốt nhất 40 - 60 con/kg. Lươn giống thả nuôi phải đồng cỡ, không bị sây sát, khỏe mạnh. Mật độ thả nuôi tốt nhất từ 60 - 80 con/m2.
Cách cho ăn:
Lươn nuôi cần phải trải qua quá trình thuần hóa để quen với thức ăn. Giai đoạn từ 7 - 10 ngày đầu cho lươn ăn giun đất vào buổi tối. Sau đó, từ từ tập cho lươn ăn sớm hơn, khi lươn ăn mạnh, có thể cho ăn hai lần/ngày. Thức ăn cho lươn chủ yếu là các loại cá đồng, ốc bươu vàng, cua hoặc cá biển mua về xay ra cho ăn. Trong quá trình chăm sóc, khi cho lươn ăn, cần phải nắm vững nguyên tắc “4 định”: (định chất, định lượng, định thời gian, định vị trí) để điều chỉnh thức ăn cho hợp lý. Không nên cho lươn ăn thức ăn bị hôi thối, thức ăn dư trong bồn từ 1 - 2 giờ nên vớt bỏ ra ngoài, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước. Khi lươn trưởng thành, trung bình mỗi ngày cho lươn ăn một lần.
Lươn mới thả vào 7 ngày cho thay nước một lần, khoảng trên 2 tháng, 4 ngày thay nước, hàm lượng oxy trên 2 mg/lít. Lươn kỵ nước bẩn.
Phòng trị bệnh cho lươn:
Các chứng bệnh ở lươn thường gặp là bệnh sốt nóng, lở loét, bệnh nấm thủy mi, bệnh tuyến trùng, bệnh đĩa...
+ Bệnh lở loét ở lươn: Trước khi nuôi cần phải sát trùng bể bằng vôi hoặc phun thuốc Streptomycin. Cứ 50 kg lươn dùng 5 g Oxytetra trộn vào thức ăn cho lươn ăn, có thể trộn kèm với vitamin C, thời gian điều trị 5 - 7 ngày. Trực tiếp bôi permanganat kali (thuốc tím) vào vết loét.
+ Bệnh tuyến trùng, có thể phòng trị bằng các sản phẩm diệt nội ký sinh trùng như Vemedim, Bayer, Annova… trộn vào thức ăn, cho lươn ăn liền trong 4 - 5 ngày.
+ Bệnh sốt nóng, giảm mật độ nuôi bằng việc san thưa, thay nước, đảm bảo tốt chất lượng nước. Khi phát hiện bệnh có thể dùng các sản phẩm có nguồn gốc iod hoặc có tính sát trùng để ngâm tắm.
+ Bệnh đỉa: do đỉa bám vào phần đầu lươn gây ra để phá hoại mô bì hút máu lươn khiến cho vi trùng xâm nhập, gây viêm nhiễm, lươn yếu, chậm chạp, kém ăn, ảnh hưởng đến sinh trưởng của lươn. Dùng các loại sản phẩm trị ngoại ký sinh để điều trị, nên theo lời khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc cán bộ chuyên môn.
KHPT, 4/5/2007
Phát Triển Bởi: http://kythuatnongnghiep.tk
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét