Tìm kiếm

27 thg 6, 2011

Kỹ Thuật Nuôi Cá Rô Đồng

I.Một số đặc tính:
 1.1  Đặc điểm phân loại, phân bố, cấu tạo cơ thể:
- Cấu tạo: đặc điểm cấu tạo nổi bật nhất có liên quan đến kỹ thuật nuôi:
  + Cấu tạo miệng phù hợp với loài ăn đáy là chủ yếu;
 + Cấu tạo hệ tiêu hóa phù hợp tính háu và ăn tạp thiên về động vật;
  + Sự phát triển của cơ quan trên mang (cơ quan mê lộ) với vai trò là cơ quan hô hấp phụ, giúp cá thích nghi trong điều kiện môi trường thiếu dưỡng khí, mật độ quần đàn cao.
  + Là loài dị hình phái tính: Con cái lớn hơn con đực khi trưởng thành. Trong các ao nuôi, bắt đầu từ tháng nuôi thứ 3 cá bắt đầu phân đàn rõ rệt. Từ thời gian này, tốc độ tăng trưởng của cá đực chậm hơn nhiều so với cá cái và khi đến thời kỳ thành thục (6 – 7 tháng tuổi) hầu như cá đực không lớn nữa.
 -Phân bố: Cá Rô đồng phân bố chủ yếu vùng nước ngọt, nhờ vào các cấu tạo cơ thể thích nghi trên mà yếu tố sinh thái giới hạn sự phân bố của cá Rô đồng trong thiên nhiên chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thức ăn có trong thủy vực, đặc biệt là thức ăn nền đáy. Khác với nhiều loài cá nước ngọt khác, yếu tố pH, dưỡng khí chỉ là yếu tố giới hạn mang tính thứ cấp chứ không đóng vai trò chủ yếu.
 1.2 Đặc điểm sinh học
1.1.2 Đặc điểm dinh dưỡng
 -Cá có tính ăn tạp thiên về động vật, tính ăn rất ít thay đổi (về thành phần) từ khi còn rất nhỏ (cá bột) cho đến lúc trưởng thành. Nói cách khác, từ khi còn nhỏ tính ăn của cá như cá trưởng thành (khác với các loài cá trắm, mè, v.v…) . Cá ăn được nhiều loại thức ăn: chất vẫn, mùn bã hữu cơ, động phiêu sinh, côn trùng, động vật đáy, bèo, mầm cỏ, hạt ngũ cốc nẩy mầm và cả thức ăn chế biến, thức ăn viên tổng hợp …
-         Cá hoạt động tầng đáy là chủ yếu và hoạt động mạnh về chiều tối đến đêm.
 1.1.3 Đặc điểm sinh trưởng
-Tốc độ sinh trưởng chậm, cá nuôi thâm canh (mật độ 20 – 40 con/m2, cở giống thả 300 – 400 con/kg), cung cấp đầy đủ thức ăn, môi trường thuận lợi, sau 6 – 7 tháng nuôi cá đạt trọng lượng trung bình: con cái  80 – 120 g/con, con đực  50 – 80 g/con.
-Cá tăng trưởng mạnh từ  3,5  - 6.5 tháng tuổi . Giai đoạn trước và từ sau 6 – 7 tháng tuổi: cá cái mang trứng nhưng vẫn tiếp tục tăng trọng tuy chậm, cá đực tăng trọng rất chậm, có con hầu như ngừng tăng trọng.
1.1.4 Đặc điểm sinh sản
 -Cá Rô đồng thành thục sau 5 – 7 tháng tuổi (tuỳ vào nhiệt độ môi trường và chế độ dinh dưỡng).
 -Điều kiện sinh thái đẻ trứng trong thiên nhiên tương đối khắt khe: có mưa, nhiệt độ mát, có nước mới, giàu dinh dưỡng (để nuôi cá con), mực nước cạn. Vì thế khi nuôi trong ao, mặc dù cá cái đã có trứng nhưng trứng chỉ ở cuối giai đoạn III, đang vào pha nghỉ, chờ điều kiện sinh thái thuận lợi như đã nói ở trên mới chín và rụng (cá đẻ).
 -Sức sinh sản: 1.000 - 6.000 trứng/cá cái (80 - 120g)
 -Cá đẻ 4 - 5 lần trong năm, tập trung vào mùa mưa
 -Thời gian tái thành thục: 3 - 4 tuần (phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ và thức ăn).
II.Các hình thức nuôi 
 2.1 Loại hình nuôi
 2.1.1 Nuôi trong ruộng lúa
 -Ưu điểm: thủy vực nông, sinh vật đáy phát triển là nguồn thức ăn ưa thích của cá, chi phí thức ăn thấp.
 -Nhược điểm: lệ thuộc vào mùa vụ của lúa, năng suất thường thấp.
 2.1.2 Nuôi ao
-Ưu điểm: chủ động được mùa vụ, nuôi được mật độ cao, năng suất cao hơn.
 -Nhược điểm: Chi phí sản xuất cao, cần có kinh nghiệm trong quản lý nước, thức ăn.
2.1.3 Nuôi trong bể xi măng
 -Ưu điểm: dể quản lý, chăm sóc
 -Nhược điểm: hiệu quả thấp hơn (cá tăng trọng chậm hơn) chi phí sản xuất cao hơn.
 2.2 Hình thức nuôi
*/ Nuôi đơn theo phương thức bán thâm canh hay thâm canh
 -Là loài có khả năng thích nghi cao đặc biệt trong điều kiện thiếu oxy, nên có thể nuôi theo phương thức bán thâm canh hay thâm canh (có thể không cần sục khí, không cần thay nước nhiều), tỉ lệ sống của cá khá tốt (70 – 80%)
*/ Để nâng cao hiệu quả cần chú ý:
 +Cung cấp đủ thức ăn và đảm bảo độ đạm (20 - 25 % đối với cá trên 50g/c và từ 25 - 30 % đối với cá <50 g/con). 
 +Tách đàn sau 3 tháng nuôi.
 */ Nuôi ghép
 -Cá có thể chung sống hòa bình với các loài cá sống tầng giữa và tầng mặt: mè, trắm cỏ, rô phi. Hạn chế ghép với các loài sống tầng đáy khác: lóc, trê, chép... cá sẽ bị cạnh tranh nơi sống và thức ăn.
 -Trong nuôi ghép, tùy vào cơ cấu đàn và số lượng cá thể nuôi mà có chế độ thức ăn thích hợp để tránh cá bị đói thường xuyên, vì phải sống trong tập thể đa dạng thành phần loài nên không gian tìm thức ăn có giới hạn, cá rất dễ bị stress khi đói hoặc chế độ ăn không đảm bảo dinh dưỡng.
*/ Nuôi trong các mô hình VAC, VA, AC
 -Cá Rô đồng rất phù hợp để nuôi đơn hoặc nuôi ghép trong các mô hình VAC, AC, VA
 -Cần chú ý các yếu tố:
 +Không gian thoáng trên bề mặt ao, độ chiếu sáng và thời gian chiếu sáng trong ngày cho ao.
Đây là yếu tố lý học ảnh hưởng lớn đến chất lượng nước trong ao.
 +Thành phần và lượng các chất thảy đổ vào ao. Đây là cơ sở để xác định cơ cấu các loài nuôi ghép và tính toán lượng ăn, thành phần thức ăn sẽ cung cấp vào ao.
III. Kỹ thuật nuôi
 3.1 Mùa vụ
 -Có thể nuôi quanh năm, thường tập trung vào 2 vụ: tháng 7,8  -   2,3 (vụ thuận) hoặc  3,4 – 10,11
 -Tuy nhiên tuỳ vào điều kiện sinh thái môi trường ở địa phương mà áp dụng các hình thức nuôi đơn, nuôi ghép, nuôi thâm canh, bán thâm canh, nuôi một hay hai vụ. Vì mỗi vụ nuôi có những thuận lợi và khó khăn riêng.
 3.2  Điều kiện ao nuôi
 -Ao có diện tích từ 400 - 1000 m2 hoặc lớn hơn nhưng không nên quá 5000 m2.
 -Ao nằm gần nguồn nước cấp để có thể thay nước khi cần. Nhất là trong điều kiện nuôi thâm canh (> 40 con/ m2).
 -Nguồn nước cấp vào ao tốt nhất là không bị ô nhiễm. Tuy nhiên với mức độ ô nhiễm vừa phải, cá  có thể thích nghi được nhưng có ảnh hưởng đến tỉ lệ sống cũng như sự tăng trưởng của cá. Điều cần thiết là nguồn nước cấp phải đáp ứng việc thay nước ít nhất 2 lần/tháng vào lúc triều cường. Mỗi lần có thể thay được 20 –40 % nước ao trong 2 – 3 ngày hoặc hơn.
 -Ao phải có bề mặt thông thoáng, bờ chắc chắn, độ cao bờ cao hơn mức triều cao nhất hàng năm  0.5 m.
 -Ao có độ sâu sao cho có thể chứa được  1 – 1,2 m nước
 -Ao có hệ thống cấp thoát nước dễ dàng. Trong điều kiện nguồn nước bị ô nhiễm, chỉ lấy được tầng nước mặt, ao cần có thêm cống cấp với công trình tùy vào mực nước lúc triều lên ngoài kênh cấp, sao cho có thể lấy được 20 –30 cm nước mặt/lần.
 3.3 Chuẩn bị ao nuôi, cải tạo ao
3.3.1 Các bước chuẩn bị
 -Dọn ao, bỏ bớt lớp bùn đáy, chỉ để lại lớp bùn dày 20 cm, loại bỏ các cây cỏ thủy sinh ven bờ
 -Đắp bờ, tránh sạt lở vào mùa triều cường hay lúc mưa to, đồng thời giảm mọi để quản lý được nước trong ao nuôi (tránh thất thoát nước hay sự xâm nhập của nước ô nhiễm từ bên ngoài).
 -Bón vôi  10 – 20 kg/100 m2 để khử trùng và cải tạo độ pH
 -Phơi đáy  5 – 7 ngày để diệt khuẩn và khoáng hóa nền đáy.
 -Giăng lưới quanh bờ, chôn sâu 30cm, chiều cao cao hơn mức nước cao nhất 50 – 100 cm
 -Lấy nước vào ao lọc qua lưới mịn
 -Gây màu, nên sử dụng NPK : 0.5 – 2kg/1000 m3 (tuỳ vào màu nước ao và mức độ ô nhiễm của nguồn nước cấp). Có thể sử dụng phân chuồng đã ủ hoai  25 – 30 kg/100 m2.
 -Sau 3 – 6 ngày nước có màu xanh lá non hoặc màu vỏ đậu là có thể thả cá vào nuôi.
 3.3.2 Tác dụng của quá trình cải tạo
  -Cải tạo độ pH của nền đáy ao, tạo hệ đệm giúp ổn định pH nước ao sau này. Tạo môi trường tốt cho các sinh vật sinh trưởng và phát triển.
 -Diệt mầm bệnh, diệt tạp
 -Tạo nền tảng tốt ban đầu cho sự phát triển của các thủy sinh vật là nguồn thức ăn tự nhiên của cá sau này.
 3.4 Thả giống
 -Quy cách giống: nên thả cá 1 – 2 tháng tuổi, có độ dài 2 – 4 cm, trọng lượng 2 – 3 g/con. Cá tròn mình, màu  xanh xám, sáng, không bị tổn thương các vây, vẩy, không bị xây xát, đồng cở.
 -Mật độ 15 – 50 con/ m2, tuỳ vào khả năng cung cấp thức ăn, điều kiện thay nước và kinh nghiệm của người nuôi.
 -Cách thả: thả vào lúc mát (tốt nhất từ 8 – 10 giờ sáng), thả cách bờ ít nhất 3 - 5m
 3.5 Chăm sóc và quản lý ao nuôi
 3.5.1 Cho ăn
 */ Loại thức ăn:
 -Cá rô đồng là loài cá ăn tạp, nên có phổ thức ăn rất rộng. Trong điều kiện nuôi chúng có thể ăn thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự chế biến.
 -Thành phần: 60% cám, tấm + 40 % bột cá (cá tươi xay hoặc phế phẩm của cá nhà máy chế biến thủy sản)
 -Chế biến: thức ăn sau khi được xay nhuyễn được kết dính bằng bột gòn, bột mì, bột bắp ( 2 – 10 % ) hay nấu chín.
*/ Lượng thức ăn: khoảng 5 - 10 % trọng lượng đàn cá (tỉ lệ giảm dần trong quá trình nuôi). Tốt nhất nên theo dỏi sức ăn để điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày.
 */ Cách cho ăn:
-Thức ăn sau khi chế biến xong được vò viên và đặt trong sàn ăn. Sàn ăn được đặt cố định trong ao, nên đặt nhiều sàn ăn tránh sự cạnh tranh làm  thức ăn rơi rớt sẽ gây thất thoát và dễ ô nhiễm nguồn nước. Khoảng cách giữa 2 sàn ăn  5 – 7 m. Số lượng sàn trong ao  7 – 10 sàn (0.8 – 1m2) /1000 m2 ao.
-Mỗi ngày cho ăn 2 lần: sáng sớm và chiều mát. Thức ăn nhiều hơn vào buổi chiều. Giai đoạn cá nhỏ nên cho ăn 3 – 4 lần/ngày.
 3.5.2 Quản lý và chăm sóc ao
 -Thường xuyên kiểm tra cống, lưới bao quanh bờ ao nếu có hư rách phải sửa vá ngay, đặc biệt chú ý vào giai đoạn mang trứng cá có thể dùng nắp mang leo lên bờ thoát ra ngoài.
 -Trên mặt ao nên thả 10 - 20 % diện tích rau muống, bèo, lục bình để hấp thu bớt chất dinh dưởng dư thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường nước trong ao.
- Thường xuyên kiểm tra tình hình ăn thức ăn của cá để điều chỉnh hợp lý. Tránh dư hay thiếu thức ăn đều ảnh hưởng không tốt đến môi trường hay sức khỏe của cá nói chung.
 -Do cá ăn thức ăn có nguồn gốc động vật chiếm tỉ lệ cao, nên ao rất dễ bị nhiễm bẩn. Cần thay nước thường xuyên, nếu điều kiện cho phép có thể thay hàng ngày hoặc ít nhất 2 lần/tháng, mỗi lần thay được 20 – 40 % lượng nước ao.
 -Kiểm tra hoạt động cá hàng ngày để sớm phát hiện các dấu hiệu bệnh nếu có.
 3.6 Phòng trị bệnh
 -Chọn giống kỹ, giống khỏe mạnh, không bị xây xát. Trước khi thả ra ao nên tắm cá bằng thuốc tím  (KMnO4) 1- 2g/m3 nước trong 30 phút
 -Thức ăn đảm bảo chất lượng, thành phần thức ăn hợp lý, đảm bảo vệ sinh và đủ về số lượng.
 -Cần quản lý kỹ lượng thức ăn tránh dư thừa hay thiếu. Nên có sự điều chỉnh hàng ngày.
 -Quản lý tốt nước ao, hạn chế tối đa sự nhiễm bẩn, sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố môi trường, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sức đề kháng bệnh của cá.
 -Vào những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi nên bổ sung Vitamine C vào thức ăn cho cá với liều lượng 5 – 10 g/100 kg thức ăn.
 3.7 Môt số bệnh thường gặp và cách điều trị
 3.7.1 Bệnh do nguyên sinh động vật (động vật bám)
 Triệu chứng:  cá có một trong những biểu hiện sau đây:
 -Mình cá  có lớp nhớt màu hơi trắng đục. Cá thường nổi đầu và thích tập trung nơi nước chảy, thích cọ mình vào thành bể hoặc cây cỏ và cảm giác như bị ngứa ngáy. Đôi khi nhô đầu lên khỏi mặt nước và lắc mạnh đầu.
 -Cá bơi không bình thường, trên cơ thể có những nốt sần màu trắng hoặc đốm đen. Nếu cá bị ký sinh ở mang, 2 nắp mang bị khênh không khép lại được. Cá ăn kém rồi chết dần.
 -Cá nổi đầu từng đàn trên mặt nước, bơi lờ đờ yếu ớt. Trên da, mang hoặc vây có nhiều hạt lấm tấm.
Điều trị: bổ sung thuốc điều trị vào thức ăn đồng thời sát trùng nước ao
 -Sát trùng nước bằng các sản phẩm chuyên dùng trong thủy sản (ABC , Virkon A  …) trong trường hợp nhẹ có thể dùng vôi bột  10 – 20 kg/1000 m3 nước cũng giúp sát trùng nước ao (cách này tiết kiệm được chi phí).
 -Trộn các loại thuốc điều trị bệnh ký sinh trùng vào thức ăn (Hadaclean  …) cho cá ăn 4 – 5 ngày.
 3.7.2 Bệnh do vi khuẩn (bệnh đốm đỏ, tuột nhớt)
 -Bệnh đốm đỏ: Cá ăn ít hoặc bỏ ăn, bơi lờ đờ, nhô đầu khỏi mặt nước. Da sậm màu, xuất hiện các vết ăn mòn, lở loét trên đầu, các vây và cuống đuôi, đôi khi bị cụt cả phần đuôi.
 -Bệnh tuột nhớt: thời kỳ đầu, đuôi cá có vệt trắng, sau lan dần về phía trước, đến vây lưng và vây hậu môn rồi cả thân màu trắng, cá mất nhớt và đôi khi bong da, bong vẩy. Bệnh nặng cá cắm đầu xuống và cá chết trong thời gian ngắn.
 Điều trị:
-Xử lý nước ao : bón vôi bột : 10 - 20 kg/1000m3
-Dùng Tetracyline,  Streptomycine, Rifato với liều lượng  3 – 5g /1kg thức ăn hoặc (20 – 50 mg/kg thể trọng cá) cho cá ăn liên tục 5 ngày.
KS. Trần Bùi Ngọc Lê
Phát Triển bởi: http://kythuatnongnghiep.tk

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét