Tìm kiếm

5 thg 7, 2011

Kỹ thuật nuôi dòi làm thức ăn chăn nuôi


Nuôi dòi quá dễ, rất ít tốn kém, chu kỳ ngắn. Cứ 2.000g phân tươi có thể sản xuất 500g dòi. 1m3 lồng có thể sản xuất 150g dòi/ngày. Nếu dùng lồng nuôi 3 tầng, trong 10 tháng, mỗi ngày có thể thu được 20-25kg dòi. Giá thành 1 kg dòi sống chưa tới 500 đồng. Nếu tính quy đổi 4kg dòi sống thành 1kg bột cá, thì giá thành không bằng 30% bột cá.
(Bài viết của Th.S Triệu Minh Đức - ĐH Thành Tây)
   


Ấu trùng của ruồi, nhặng gọi là dòi. Dòi sử dụng thức ăn là phân tươi của vật nuôi, sinh sản cực nhanh, nuôi nhân tạo rất đơn giản, bà con nhà nông đều có thể tự làm.
Thành phần dinh dưỡng trong dòi rất phong phú: protein thô 56-63% (bình quân 59,5%), chất béo thô 13%, tro 7%, đường 3,1% là thức ăn giàu protein, thành phần dinh dưỡng ngang ngửa với bột cá Pêru. Dòi tươi sống có hàm lượng protein 15%, chất béo thô 5,8%, đủ chất dinh dưỡng làm thức ăn nuôi trực tiếp cho lợn, gà, vịt, cá, đồng thời là thức ăn sống tốt nhất, có giá thành thấp nhất để nuôi các động vật đặc sản như tôm, cua, cá trình, lươn, ếch, cá song, ba ba, rùa…
Nuôi dòi quá dễ, rất ít tốn kém, chu kỳ ngắn. Cứ 2.000g phân tươi có thể sản xuất 500g dòi. 1m3 lồng có thể sản xuất 150g dòi/ngày. Nếu dùng lồng nuôi 3 tầng, trong 10 tháng, mỗi ngày có thể thu được 20-25kg dòi. Giá thành 1 kg dòi sống chưa tới 500 đồng. Nếu tính quy đổi 4kg dòi sống thành 1kg bột cá, thì giá thành không bằng 30% bột cá. Có một gia đình nông dân, dùng lồng tre nuôi dòi, với 14 lồng mỗi ngày sản xuất được 30kg dòi sống, đủ nuôi 1.000 con ba ba. Nếu nuôi dòi trở thành một chuỗi sinh học để sản xuất thức ăn, giá thành nuôi ba ba giảm gần một nửa, năng suất lại tăng gấp bội.
Nuôi dòi có 2 khâu quan trọng: nuôi ruồi bố mẹ và gây nuôi dòi thành phẩm, kỹ thuật khác nhau nhiều. Nhưng nuôi dòi chỉ để làm thức ăn thì không cần nuôi ruồi bố mẹ, mà sử dụng ruồi bố mẹ trong thiên nhiên để đẻ trứng, rồi nuôi thành dòi, đỡ tốn kém hơn nhiều.
1. Lựa chọn thức ăn nuôi dòi
Cách phối chế: tốt nhất là kết hợp phân gà với phân lợn. Dùng phân trâu bò kém hiệu quả. Có 3 cách thức phối chế:
-          Phân lợn, gà mỗi loại 50%, thêm chút ít nước, độ ẩm 80%.
-          Phân lợn 1 phần, phân gà 2 phần, thêm nước, độ ẩm 80%.
-          Phân lợn 2 phần, phân gà 1 phần, thêm nước, độ ẩm 80%.
2. Kỹ thuật nuôi dòi
a. Dùng chậu nhựa:
Mỗi chậu nhựa sản xuất 1-1,5kg dòi, có thể nuôi 50-75 con rùa cá sấu. Sử dụng nội tạng động vật, chuột chết, đặt vào nơi có nhiều ruồi, nhặng để nhử chúng đến đẻ trứng. Thu trứng dòi vào sáng và tối, đưa trứng vào chậu nhựa đường kính 60cm, hoặc thùng nhựa đường kính 30cm, cho thêm chút ít rượu vào chậu, giữ độ ẩm, đậy nắp, sau 2-3 ngày sẽ có dòi. Cách làm này có thể làm ngoài trời, không cần giống. Thức ăn nuôi dòi, từ ít đến nhiều, sử dụng phân gà, lợn trộn theo tỉ lệ 1/1 cho vào chậu. Một chậu nhựa đường kính 60cm, cho 1kg phân, cho thêm 100cc nước đường có 3% rượu (hoặc nước dỉ đường), sau 4-5 ngày là có dòi. Khi thu dòi, cho nước vào chậu dùng gậy đập nhẹ vào chậu, dòi sống sẽ nổi lên mặt nước, dùng vợt vớt ra rửa sạch, khử trùng rồi đem nuôi. Nước bã cho vào bồn khí sinh học hoặc hố phân để phân huỷ. Cũng có thể sử dụng nước bã này đưa vào ao để nuôi rùa, ba ba, lươn, cá…
b. Nuôi trên đất ngoài trời:
Là cách nuôi phù hợp phương thức nuôi quy mô lớn.
-          Chọn nơi nuôi: chọn nơi đất bằng phẳng xa nhà, gần trại chăn nuôi, diện tích khoảng 4m2.
-          Làm lồng nuôi: dùng cọc sắt hoặc gỗ để làm lồng nuôi, cao 50cm, phía trên lồng và 2 bên có lớp các tông để che nắng. Xung quanh lồng có 1 lớp vải nhựa che phủ để giữ nhiệt, giữ ẩm. Lồng có kích cỡ nhỏ, có thể di chuyển.
-          Trên lớp đất phẳng được rải phân gà trộn phân lợn theo tỉ lệ 1/1. Cho thêm nước, đảm bảo độ ẩm phân, giữ lớp phân tơi xốp, dầy 5-10cm. Sau đó đậy lồng lên lớp đất đã rải phân, dỡ vải nhựa 2 bên, trên lớp phân rải bỏ thêm vài con chuột chết hoặc nội tạng động vật để nhử ruồi.
-          Sau khi rải phân, giữ phân đủ ẩm, để ruồi đẻ trứng và nở. Với phân gà chỉ cần giữ ẩm là được, nhưng nếu dùng phân lợn thì cho thêm nước amôniac 0,03% để nhử ruồi đến đẻ trứng. Sau ngày đầu tiên ruồi đẻ trứng, bỏ vải nhựa xung quanh lồng, nén nhẹ lớp phân, để trứng ruồi nở. Sau 8-12 giờ, trứng ruồi sẽ nở. Sau khi trứng nở, không được để đọng nước. Sau khi nở 6-9 ngày, có thể thu dòi. Phải đảm bảo không để dòi hoá nhộng. Do dòi sợ nắng, khi thu dòi, rỡ chụp lồng, để ánh nắng chiếu thẳng vào lớp phân, dòi sẽ chui xuống đáy, sau đó gạt lớp phân phía trên, rồi gom phân và dòi ở phía dưới, có thể thu được dòi, phân còn lại sẽ bổ sung phân tươi rồi san ra tiếp tục nuôi dòi đợt sau.
c. Cách nuôi trong chậu ven ao:
Dùng 1 chậu đường kính 40cm treo trên mặt ao nuôi rùa đặt cách nhau 1-2m. Chậu đặt cách mặt nước 20cm. Cho phân vào chậu, trộn chút ít nước amoniac, trên đó bỏ vài con chuột chết hoặc nội tạng động vật để nhử ruồi đẻ trứng. Ruồi nhặng sẽ kéo nhau vào đẻ, chỉ sau 7 ngày là có dòi bò ra trong chậu. Khi đó, đổ lớp phân có dòi xuống ao để rùa ăn.
Cách làm này rất đơn giản, cứ 2 kg phân thu được 500g dòi. Cần lưu ý, chậu không sâu quá, khoảng 10-15cm, nên dùng chậu nhựa, đáy có 2-3 lỗ thoát nước để không đọng nước khi gặp mưa. Khi cho phân vào chậu, dùng giấy các tông che 3/4 chậu, còn chừa lại 1/4 để nhử ruồi, nhặng. Việc che nắng còn có lợi cho sinh trưởng của ruồi. Trong quá trình nuôi, phải giữ độ ẩm vừa phải.
d. Nuôi trên giá đặt trong nhà
Cách nuôi này phù hợp phương thức nuôi trang trại lớn. Cấu trúc giá nuôi đảm bảo tự động tách dòi, giảm nhân công, thao tác thuận tiện, quản lý dễ.
-          Làm nhà nuôi dòi: sử dụng nhà cũ, kho cũ, xa dân cư, gần chuồng trại, để tiện lấy phân tươi. Một gian rộng 30-50m2, có cửa kính hoặc lưới thép. Xung quanh gian nhà có rãnh ngăn kiến.
-          Giá nuôi dòi: trong gian phòng làm giá phẳng xây bằng gạch rộng 1,5m2, cao 30cm. Trên giá phẳng có xây gờ xung quanh, cao 10cm, xung quanh giá có rãnh rộng 3cm, sâu 2cm để thu dòi. Trên giá phẳng dùng xi măng láng mặt trơn nhẵn. Ở 2 góc hai bên có lỗ thu dòi, đường kính 3cm, phía dưới lỗ này có đặt bình hứng dòi.
-          Cho ăn, nhử dòi và thu dòi: phân tươi (lợn và gà) được sử dụng tương tự các cách làm trên. Phân được trộn nước, rải thành đống nuôi dòi ở giữa, phía trong dầy 15cm, xung quanh 3-4cm. Trên giá có bỏ chuột chết, nội tạng động vật khoảng 500g. Sau khi đưa trứng vào 4-5 ngày là có dòi. Khi dòi trưởng thành sẽ tự động bò ra khỏi đống phân, tìm nơi để hoá nhộng. Chúng sẽ bò tập kết vào rãnh rồi rơi xuống bình hứng dòi. Vào mùa hè mỗi ngày đổi bình hứng dòi 2 lần, dòi tươi lấy ra, rửa bằng KMnO4 0,1% trong 3 phút có thể để nuôi.
-          Đổi thức ăn: lần cho ăn đầu tiên sau khi gây nuôi 5 ngày là có dòi. Khi đó, thức ăn ở phía trên vẫn chưa sử dụng, phía dưới cũng sử dụng chưa hết. Do đó, sau khi thu dòi lần 1 cho thêm 40% thức ăn mới trộn vào thức ăn cũ, rồi gây dòi lần 2. Lần 3 thêm 50% thức ăn mới, những lần sau đó bổ sung thức ăn mới theo tỉ lệ cao hơn và vẫn tận dụng thức ăn cũ.
Trường Đại học Thành Tây đã phối hợp với một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sản xuất dòi làm thức ăn cao đạm, rẻ tiền để nuôi rùa, ba ba, tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật để chuyển giao cho nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả ngành chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Phát Triển Bởi:  http://kythuatnongnghiep.tk

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét